Rất có thể nhiều người trong chúng ta nếu được hỏi về một vở nhạc kịch mang tên Carmen thì vội vàng lắc đầu không biết. Nhưng khi những giai điệu đầu tiên được vang lên, hầu như ai cũng chợt nhận ra khúc nhạc này sao mà quen thuộc và gần gũi đến vậy. Bởi những giai điệu của vở nhạc kịch kinh điển này đã được nhiều nhà sản xuất phim, hoạt hình, chương trình tạp kỹ phát trên truyền hình... lấy làm nhạc nền một cách phổ biến và rộng rãi. Do đó, tuy không hề biết nguồn gốc thực sự của bản nhạc, nhưng chỉ nghe đến giai điệu, nhiều người đã nhận ra ngay và lầm tưởng đó là nhạc cho bộ phim này, chương trình tạp kỹ kia...
Thực chất Carmen là một vở opéra Pháp của Georges Bizet. Lời nhạc của Henri Meilhac và Ludovic Halévy, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Prosper Mérimée, lần đầu xuất bản năm 1845. Tiểu thuyết này lại bị ảnh hưởng từ bài thơ tường thuật The Gypsies (1824) của Alexander Pushkin. Mérimée đã đọc bài thơ bản tiếng Nga năm 1840 và đã dịch nó sang tiếng Pháp năm 1852. Nội dung của câu chuyện được viết trong bối cảnh tại Seville, Tây Ban Nha, khoảng năm 1830. Carmen, một phụ nữ Gypsy xinh đẹp với tính khí bốc lửa, tự do trong tình yêu. Một lần, Carmen đã gặp và quyến rũ hạ sĩ Don José, một người lính trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Quan hệ của họ khiến anh ta chối bỏ tình yêu cũ của mình, nổi loạn chống lại chỉ huy, và gia nhập một nhóm buôn lậu. Tuy nhiên một thời gian sau, Carmen lại quay sang phải lòng đấu sĩ đấu bò Escamillo, bỏ rơi Don José, khiến anh căm giận mà giết Carmen.
Suốt một thời gian dài, vở Carmen đã bị đánh giá là nuôi dưỡng một phong trào vừa nổi tiếng vừa tai tiếng đầu tiên ở Italia: sự sùng bái chủ nghĩa hiện thực được gọi là verismo (hiện thực, tự do yêu đương). Từ những năm 1880, đây đã là một trong những vở opéra được trình diễn nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, Carmen còn đứng hàng thứ tư trong danh sách 20 vở opéra được trình diễn nhiều nhất Bắc Mỹ của Opera America. Thậm chí vở opéra cuối cùng của Bizet không chỉ đã biến đổi thể loại kịch opéra từng ổn định trong suốt nửa thế kỷ, mà nó còn rõ ràng đã tiêu diệt chính những khái niệm xưa cũ của chính nó. Sở dĩ có thể nói như vậy bởi trong vòng vài năm, sự phân biệt truyền thống giữa opéra (nghiêm túc, anh hùng và hùng biện) và kịch opéra (vô tư, tư sản và nhiều đàm thoại với nhiều đoạn hội thoại) đã biến mất.
Thật đáng tiếc, Bizet chết vì một cơn đau tim, lúc mới 37 tuổi, ngày 3/ 6/1875, và ông đã không bao giờ biết được vở Carmen sẽ trở nên nổi tiếng như thế nào. Tháng 10 năm 1875, vở Carmen được diễn ở Vienna với thành công vang dội, bắt đầu con đường đến với khán giả toàn thế giới. Mãi tới năm 1883 vở opéra mới được diễn lại tại Opéra Comique. Tuy nhiên, với thành công và ảnh hưởng của vở nhạc kịch kinh điển này, tên tuổi của ông đã được mọi người nhớ và nhắc tới trên toàn thế giới, dần thuyết phục và xóa đi mọi định kiến không hay trước đây của giới chuyên môn về opéra đối với Carmen. Đây chính là thành công và niềm tự hào mà Carmen đã đem lại cho Bizet.
Tại Việt Nam, một số chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng người nước ngoài cũng từng dàn dựng vở Carmen và trình diễn với sự tham gia của các nghệ sỹ nhà hát ca vũ kịch Việt Nam. Năm 2011, nhạc trưởng Graham Sutcliffe người Anh đảm nhiệm vai trò chỉ huy dàn nhạc, cùng nữ đạo diễn người Thụy Điển Helena Rohr cũng đã đến Việt Nam. Họ đã dựng lại vở nhạc kịch kinh điển này với dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch trong nước, nhằm giới thiệu Carmen rộng rãi hơn với công chúng, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội.
Trong những lần công diễn đó, công bằng mà nói, các nghệ sỹ Việt Nam vốn chỉ quen hát chứ chưa quen diễn xuất, nên đã gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện vở Carmen. Thậm chí, giọng hát và ngoại hình của các vai chính chưa thực sự tương xứng với một vai diễn lớn và phức tạp như Carmen. Bởi một rào cản lớn về ngôn ngữ: lời ca bằng tiếng Pháp và lời thoại lại bằng tiếng Việt. Ngoài ra, sự chính xác trong phát âm và lời thoại của các nhân vật quần chúng vẫn chưa ở được mức cần có, khiến cho vở nhạc kịch đôi khi bị ngắt quãng bởi những lỗi không đáng có.
Tuy nhiên, những điều ấy cũng không ngăn cản Carmen chiếm được cảm tình của khán giả, đặc biệt là những khán giả người nước ngoài đến nghe và cảm nhận. Và đó chính là điều tuyệt vời nhất mà Carmen đã làm được: tình yêu và sự đam mê đối với một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Trong không gian nồng nàn hương xuân của tình yêu này, ta chỉ có thể thốt lên: Cám ơn nàng Carmen!
Carmen cũng được nhiều nước dựng thành phim nhạc kịch